top of page

NGƯỜI BÁC SĨ VĨ ĐẠI TRONG TIM TÔI


Tác giả: Nguyễn Minh Phương


"Mẹ, Chẳng mặc áo bờ-lu trắng, Chẳng quàng ống nghe quanh cổ, Cũng chẳng vấn vương hương nồng của thuốc tẩy trùng ngai ngái nơi bệnh viện. Mà mẹ, Không phải là người bác sĩ nhân dân, nhưng là người bác sĩ vĩ đại nhất trong trái tim tôi. Mười sáu năm dài đằng đẵng, thêm chín tháng mang nặng đẻ đau, mẹ đã khổ vì tôi nhiều lắm. Nghe nội kể, tôi được sinh ra vào một đêm hè mưa như trút nước, mưa tầm tã, nước mưa như xối xả vào khoảng sân con con trước hiên bệnh viện. Nội bảo, lúc mẹ sinh mày, nội xót ruột lắm, ngồi mệt nhoài ngoài hàng ghế trước cửa phòng sinh, ba đầu sáu tay ôm đống đồ sơ sinh nặng trịch mà nội cứ sợ mẹ có việc gì ngoài ý muốn. Nội cũng nói, ngày ấy có mỗi nội và mẹ trong viện mà thôi, đêm đó vì mưa lớn quá nên bố bị kẹt ở trường học (bố tôi khi ấy là một giáo viên ở một trường trung học vùng khó khăn). Bố cũng lo lắm, nhưng chẳng xuống viện được vì đất đá đã sụp chặn ngang đường. Bố cũng thử đi bộ qua đoạn sụt và ngập nước, nhưng vì nguy hiểm quá nên đành gọi điện thoại từ xa. Mẹ ở trong phòng sinh đúng sáu tiếng đồng hồ.

Nhắm đôi mắt lại, trong lời kể hoài niệm của nội, tôi như sống lại trong khung cảnh ngày ấy. Trong tiếng mưa dội vào ô cửa sổ, trán mẹ lấm tấm mồ hôi, miệng cắn chặt miếng vải, bên tai là tiếng cổ vũ “cố lên cố lên” của bác sĩ. Thương mẹ lắm. May sao, ba giờ sáng ngày hôm ấy, tôi đã cất tiếng khóc đầu tiên, một cách an toàn. Còn nhớ, năm lên ba, tôi bắt đầu gãy cái răng sữa đầu tiên. Chiều hôm ấy, khi đang chơi đồng cỏ bên suối xanh rì phía bên kia đường, chẳng hiểu ngáo ngơ thế nào, tôi lại bứt ngọn cỏ mần trầu lên để mài răng. Tôi nghe một tiếng “phựt” nho nhỏ trong miệng. Một cơn đau chưa từng có đột ngột đến. Tôi đã khóc rất to. Lúc ấy chẳng biết làm gì ngoài việc đứng đó, gào thật to. Là mẹ đưa tôi về nhà, dỗ tôi nín và an ủi tôi rằng để mẹ thổi là sẽ không còn đau nữa. Tôi đã tin thật. Hơi ấm của mẹ nhè nhẹ vụt qua đôi má hây hây non nớt của tôi, có tác dụng hơn bất cứ liều thuốc giảm đau nào. Cái răng đầu đời của tôi cứ thế mà lung lay rồi được nhổ đi chỉ vài tuần sau đó – nhờ mẹ. Lạ ở chỗ, mẹ tôi nhổ răng cho tôi chẳng đau tẹo nào. Vì lẽ ấy, cả hàm răng sữa của tôi đã được thay toàn bộ mà không cần đến bác sĩ nha khoa lần nào. Thay vì những được vứt trong thùng rác của phòng khám, từng chiếc, từng chiếc răng của tôi đã được ném lên mái nhà và gầm giường, vì mẹ bảo “răng dưới mái nhà, răng trên gầm giường”. Mẹ đã là bác sĩ nha khoa của tôi như thế đó.

Năm lên mười bốn, lần đầu tiên tôi biết thích một người. Chẳng như những người mẹ khác, khi biết chuyện, mẹ tôi chỉ nói “ừ’. Tôi tưởng như vậy là đã qua chuyện, chẳng ngờ, một buổi tối nọ, mẹ sang phòng tôi – nói thêm một chút, sau khi lên cấp hai, bố mẹ chẳng mấy khi sang phòng riêng của tôi, hai người đã cố gắng tôn trọng không gian riêng tư của tôi hết mức có thể và đôi khi chỉ sang để đốc thúc tôi dọn dẹp phòng gọn gàng. Nhưng ngày ấy, mẹ sang, ngỏ ý muốn nói chuyện với tôi. “Đừng vội trao đi tất cả của con cho người ta. Các con luôn mơ về một mối tình đẹp đẽ và hào nhoáng, yêu nhau tám năm mười năm với cái kết có hậu. Nhưng đời đâu phải ai cũng may mắn vớ được một tình yêu như vậy. Con còn trẻ, hãy cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định điều quan trọng. Nhớ lời mẹ, nha con.” Tôi đã im lặng, ngẫm nghĩ, nghĩ nhiều. Quả thực, lời khuyên của mẹ như một chiếc phao cứu sinh được trang bị sẵn trên con thuyền mới đóng của tôi, thuyền nhỏ muốn chấp chới ra khơi xa mà chẳng lo nghĩ về cơn bão bất chợt của biển cả. Đến tận giây phút hiện tại, tôi vẫn đang khắc ghi lời mẹ dạy ở tận đáy lòng. Mẹ là bác sĩ tâm lí "xịn xò" nhất tôi từng gặp.

Mẹ đã cho tôi cơ hội đến với cuộc đời này, đã trao cho tôi những giọt sữa ấm nóng, tần tảo nuôi tôi lớn từng này, ở bên tôi những lúc buồn vui và chứng kiến từng sự kiện trọng đại của đời tôi. Mẹ đã hi sinh cho tôi thật nhiều và thật nhiều, đã dạy tôi hiểu, chỉ gia đình mới hi sinh mọi thứ mà không đòi nhận lại điều chi. Chẳng ai trả công cho mẹ khi thức đêm chăm con ốm, khi dậy sớm thức khuya lo lắng việc nhà, khi gắng gượng thân mình chăm con từng ấy năm trời. Trong trái tim tôi, mẹ vĩ đại vô cùng. Thương và yêu mẹ bằng cả trái tim."


----------------------------------------------------

Thử thách viết “Mẹ là Bác sĩ” là nơi bạn có thể chia sẻ những câu chuyện về người Mẹ của mình, để lan tỏa những tình cảm trân quý nhất tri ân đến Mẹ nhân “Ngày của Mẹ” (10/5/2020).

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page